10 xu hướng các nhà bán lẻ cần bắt kịp

Nghiên cứu của ECR AP (Cơ quan Đáp ứng Khách hàng Có Hiệu quả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) mới đây cho hay: Lối sống ngày càng số hóa của người tiêu dùng châu Á đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các nhà bán lẻ. Xu hướng số giống như một cánh cửa rộng mở nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ. Tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, các nhà bán lẻ vẫn còn trong trạng thái ngập ngừng “chân trong như đã, chân ngoài còn e” khi loay hoay tìm cách đưa chiếc chân còn lại qua mà không bị vấp.

 

 Để nắm bắt được thời cơ mà lối sống số mang lại, các nhà bán lẻ cần có cái nhìn toàn cảnh về thị trường và đón đầu những xu hướng mới. Từ đó, đưa ra một chiến lược tiếp thị số phù hợp, lựa chọn đúng nhóm khách hàng tiềm năng, kênh quảng cáo và mô hình kinh doanh. Nghiên cứu của ECR AP đã chỉ ra 10 xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của lối sống số hóa, mà các nhà bán lẻ nên bắt kịp nếu muốn chạm tới thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng.

 

1. Thiết bị công nghệ phổ cập khắp nơi

anh_dai_dien_354

Công nghệ đổi mới nhanh chóng nếu không phải nói là “xoành xoạch”; giá thành của những chiếc smartphone, tablet, phablet, laptop … thì ngày càng “rẻ” đi và chạm đến nhiều phân khúc người mua, được coi là 2 lý do chủ yếu dẫn đến lối sống số hóa của người tiêu dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bằng chứng là số lượng người sở hữu những thiết bị di động trên đã tăng vượt bậc trong một thập kỷ qua. Đặc biệt, tại các thị trường mới nổi, các cộng đồng mạng trực tuyến còn phát triển rôm rả như đời thực. Chẳng khó để bắt gặp cảnh ai đó vẫn cặp kè với chiếc smartphone bên cạnh trong lúc tán ngẫu với bạn bè. Dù tồn tại những yếu tố tiêu cực, song không thể phủ nhận lối sống số hóa của người châu Á đang lấn lướt lối sống truyền thống và thay thế những mối quan hệ xã hội. Mọi người có xu hướng chia sẻ, tâm sự, xem quảng cáo, tìm thông tin, xem đánh giá và mua một món đồ nào đó hoàn toàn bằng cách ngồi nhà và lướt Internet.

 

2. Thu nhập tăng theo thời gian

 ECR AP dự báo con số 25% tầng lớp trung lưu toàn cầu mà người châu Á đang nắm giữ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, còn trước năm 2030, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt cả Mỹ và EU. Nhiều người “giàu” hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa cao cấp và xa xỉ phẩm. Các nhà bán lẻ mặt hàng này hẳn phải chăm chút đặc biệt nhóm khách hàng “sắp thành thượng lưu” này ngay từ bây giờ, bởi đây là nhóm khách hàng mang lại doanh thu và lợi nhuận cao.

 

3. Nhận thức cao về sức khỏe

shutterstock_121104361

Thu nhập cao cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình hơn. Nắm bắt được điều đó, nhiều công ty trong ngành CPG (Consumer Packaged Goods – Sản phẩm tiêu dùng đóng gói) đã chớp lấy xu hướng này bằng cách tạo ra những sản phẩm có lợi, hoặc ít nhất là “bớt hại” cho cơ thể. Chẳng hạn như tại thị trường Ấn Độ, Nestle đã tung ra loại mì ăn liền Maggi Aata làm hoàn toàn từ bột mỳ (Aata) với thông điệp “lợi gan đẹp da”. Hay loại mỳ khác là Omachi của MasanFood với quảng cáo mang tên “Cám dỗ” gây sốt gần đây với thông điệp hãy ăn Omachi làm từ khoai tây để đẹp và sexy như … Ngọc Trinh.

 

4. Môi trường bán lẻ và thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi

retailing tech

Môi trường bán lẻ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang chuyển dần từ thương mại truyền thống sang thương mai hiện đại với mạng lưới phân phối là các siêu thị lớn nhỏ, trung tâm thương mại và các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Mặc dù các chợ mua bán truyền thống vẫn chiếm ưu thế, song người mua ngày càng có xu hướng tìm đến những cửa hàng bình ổn giá, những siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy đa dạng chủng loại hàng hóa được niêm yết giá cố định. Các nước trong khu vực đang đứng ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình chuyển đổi này. Chẳng hạn như tại Việt Nam và Philippines, môi trường bán lẻ đang trên đà phát triển, trong khi đó, Ấn Độ chỉ mới “bập bẹ” mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà cung cấp nước ngoài nhảy vào. Vì vậy, “làm thân” với các nhà phân phối này là cách tiếp cận hiệu quả nhất của nhà bán lẻ tới người tiêu dùng.

 

5. Thân thiện với môi trường

 Không chỉ các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ, người tiêu dùng ngày nay cũng quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Truyền thông về bảo vệ môi trường cũng đã phát huy được ít nhiều tác dụng. Giữa những sản phẩm có cùng tính năng, công dụng và giá thành, người mua thường có suy nghĩ ưu ái hơn cho những sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm điện, có thể phân hủy hoặc tái chế được hơn là những sản phẩm khác. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh vào R&D để nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới thân thiện với môi trường, từ chiếc bao bì nhỏ nhất cho tới những thiết bị cỡ khủng như xe hơi, máy bay chạy bằng nhiên liệu xanh …

 

6. Nữ quyền

10 xu hướng các nhà bán lẻ cần bắt kịp

 

Phụ nữ khu vực ASEAN thường có vị thế cao hơn so với phụ nữ ở những quốc gia còn lại của khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong việc ra quyết định cùng chồng, đồng thời họ có tính độc lập trong công việc và luôn là người “tay hòm chìa khóa” quản lý kinh tế trong nhà. Thay vì làm người phụ nữ nấp sau lưng chồng, phụ nữ châu Á ngày càng mạnh dạn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy, những thông điệp quảng cáo đánh vào tâm lý phái đẹp, nâng vị thế của họ lên là một trong những bước đi khôn ngoan nếu muốn nuốt trọn nhóm khách hàng này. Quảng cáo mỳ Omachi kể trên cũng có thể được coi là một chiến lược tiếp cận túi tiền của chị em phụ nữ mà MasanFood đưa ra.

 

7. Già hóa dân số

Tốc độ tăng dân số sau nhiều năm bùng nổ đã có dấu hiệu chậm lại, khiến tháp dân số thoải đi nhanh chóng và lớp dân số già gia tăng lên đáng kể. Trên thực tế, nhóm khách hàng là lớp dân số già chưa được quan tâm đúng mức, do các nhà bán lẻ cho rằng họ ít tiêu dùng hơn giới trẻ. Bởi vậy, hầu hết các chiến lược tiếp thị đều tập trung vào phân khúc trẻ năng động, ngoại trừ một số loại sản phẩm chuyên biệt dành cho người trung tuổi. Chẳng ai quảng cáo Victoria Secret cho các bà cô trên 50 tuổi cả, catwalk chỉ dành cho các “chân dài” trẻ và đẹp, dưới 40, mà quên rằng phụ nữ tuổi cao hơn cũng muốn nóng bỏng và “hồi xuân”. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ quan niệm này thì các nhà bán lẻ đã bỏ lỡ một phân khúc khách hàng tiềm năng.

Trong tương lai, với thu nhập tăng do kinh nghiệm và số tiền tiết kiệm được ngày càng nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng, giải trí, du lịch, làm đẹp… của nhóm tuổi này cũng sẽ lên theo. Tuy nhiên, nhóm người tiêu dùng ở độ tuổi này rất nhạy cảm về giá, nhưng lại ít chịu ảnh hưởng từ quảng cáo, đồng thời họ rất chăm chỉ săn các chương trình khuyến mãi và sẵn sàng xách ba lô lên và đi du lịch nếu có mức chi phí phù hợp. Vì vậy, chiến lược tiếp cận nhóm khách hàng này cần phải đi kèm mức giá tốt.

 

8. Đô thị tăng như vũ bão

Quá trình đẩy nhanh đô thị hóa tại các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn tới sự thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng. Bởi vậy, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ cũng cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình để bắt kịp xu hướng chi tiêu của khách hàng. Đối với các thị trường lớn như Trung Quốc, xu hướng đô thị hóa còn phát triển thành di dân và định cư tại nước ngoài để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Những chiến lược quảng cáo đánh vào xu hướng “Tây hóa” và thị hiếu “xính hàng hiệu” của người Việt Nam nói riêng có lẽ sẽ mang lại những con số doanh thu bất ngờ cùng độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.

 

9. Người tiêu dùng có thông tin hoàn hảo

10 xu hướng các nhà bán lẻ cần bắt kịp

Đã qua rồi cái thời người tiêu dùng tù mù thông tin và đổ xô đi mua một sản phẩm nào đó chỉ vì tâm lý đám đông. Tại thị trường châu Á mới nổi, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, các tiêu chuẩn sống cao hơn và kết nối internet ở khắp nơi đã tạo ra quá trình chọn lọc và cập nhập thông tin, liên tục và đầy đủ. Bởi vậy, một công ty bán lẻ tốt nên là một nhà quảng cáo tận tâm và là một nhà cung ứng dịch vụ chu đáo. Chủ động mang thông tin đến cho khách hàng bằng những quảng cáo tận mắt và dịch vụ tư vấn bán hàng tận tai là điều rất quan trọng nếu nhà bán lẻ muốn quản lý tốt nhóm tiêu dùng số đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

 

10. Khan hiếm nhân tài có trình độ

Một khi các nhà sản xuất và hãng bán lẻ đổ bộ ồ ạt và tìm cách đánh chiếm thị trường Châu Á Thái Bình Dương, thì nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng nhất, từ công nhân lành nghề cho đến những nhân viên marketing giỏi, người quản lý có quyền lực và nhiều mối quan hệ để mở rộng doanh nghiệp. Nếu thiếu nhân hòa, thì dù có thiên thời, địa lợi, doanh nghiệp cũng khó có thể bứt phá và hất cẳng được những đối thủ đáng gờm trong ngành. Nhưng nhân tài địa phương thường có hạn, xu hướng khan hiếm nhân tài chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt tại các quốc gia còn nhiều hạn chế về giáo dục, thừa thầy thiếu thợ. Xây dựng đội ngũ lao động tốt là nhiệm vụ mà các nhà hoạch định chính sách nhân sự cần làm ngay từ khi tham chiến tại thị trường bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay, thì sức ép trong ngành bán lẻ là không hề nhỏ. Thực tế đã có không ít nhà bán lẻ là chủ các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, siêu thị mini, điện máy, … phải sớm rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, nếu có một chiến lược phát triển dài lâu, phù hợp với xu thế hiện tại và bắt kịp xu hướng trong tương lai, chắc chắn nhà bán lẻ đó sẽ vững mạnh trong ngành.

Đăng ký dùng thử  phần mềm bán hàng 7 ngày miễn phí

Đăng Ký Ngay




 

Tags: phần mềm quản lý shop thời trang, phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm quản lý nhà hàng, phần mềm quản lý kho