Luân chuyển nhân sự là vấn đề thường trực trong mô hình kinh doanh nhà hàng. Do đó để kinh doanh hiệu quả, các chủ nhà hàng nên chú trọng ngay từ quá trình tuyển dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi tuyển dụng nhân viên nhà hàng.
1. Nắm chính xác nhu cầu nhân sự
Nhà hàng là mô hình kinh doanh dịch vụ nên cần số lượng lớn nhân viên đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Thông thường, các vị trí chính là bếp trưởng, phụ bếp, quản lý, nhân viên phục vụ, nhân viên thu ngân. Tùy vào mô hình và quy mô của từng nhà hàng mà số lượng và các vị trí nhân sự có thể nhiều hoặc ít để đảm bảo vận hành hiệu quả.
Trên thực tế rất nhiều nhà hàng không lên kế hoạch về nhân sự phù hợp dẫn đến có những vị trí thừa nhân lực, có vị trí lại thiếu nhân lực, hoặc tuyển những người không phù hợp với yêu cầu công việc. Nguyên nhân nằm ở phương pháp tính toán lượng nhân sự thiếu hụt của các chủ nhà hàng.
Thông thường, để tính số lượng nhân sự cần thiết cho một vị trí, chủ nhà hàng thường xem xét một người có thể đảm nhiệm được bao nhiêu khối lượng công việc, từ đó tuyển số lượng nhân sự cần thiết. Các chủ nhà hàng luôn muốn tối ưu nguồn nhân lực để có mức lợi nhuận cao nhất với chi phí thấp nhất, nên dồn nhân viên với khối lượng công việc khá lớn dẫn đến làm việc không hiệu quả, căng thẳng và bỏ việc.
Tùy từng vị trí mà có cách tính toán số lượng nhân sự khác nhau. Với vị trí quản lý và nhân viên phục vụ, chủ nhà hàng nên căn cứ và số lượng bàn để suy ra số nhân sự cần thiết phụ trách từng khu vực. Với nhân viên bếp sẽ thông thường sẽ có 1 bếp trưởng và ít nhất 2 phụ bếp, tuyển dụng nhân viên bếp có thể căn cứ vào số lượng món ăn và các khu vực trong bếp có thể phụ trách.
Đặc điểm mô hình kinh doanh nhà hàng là lượng khách phục vụ không đồng đều trong ngày, thời điểm đông khách lá buổi trưa và buổi tối. Do đó, bên cạnh số nhân viên làm fulltime, chủ nhà hàng cần tuyển thêm nhân viên làm parttime, để có thể đảm bảo quy trình vận hành trơn tru vào những giờ cao điểm. Ngoài ra, chủ nhà hàng nên tuyển dư một số lượng nhân sự cho các vị trí, để phòng trường hợp có nhân viên nghỉ việc sẽ không mất nhiều thời gian tuyển dụng và đào tạo.
Bên cạnh tính toán số lượng nhân sự cần thiết, chủ nhà hàng cần nắm được các yêu cầu nghiệp vụ và các kỹ năng cần có của từng vị trí để tuyển được người phù hợp.
2. Tuyển dụng những vị trí ưu tiên
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các nhà hàng diễn ra thường xuyên, nhiều khi cần một số lượng nhân sự lớn tại một thời điểm nhưng nguồn chi phí thì có hạn và cần phải tiết kiệm, đặc biệt là với những nhà hàng mới mở.
Do đó, nên ưu tiên các vị trí quan trọng và trả mức lương xứng đáng cho những ứng viên xuất sắc. Không nhất thiết tuyển dụng quá nhiều người xuất sắc cho cùng một vị trí, bởi theo kinh nghiệm từ các nhà quản lý, có quá nhiều người giỏi thì sẽ làm việc không hiệu quả vì họ có cái tôi quá cao.
Với các mô hình khác nhau, các vị trí ưu tiên sẽ khác nhau, ví dụ với các nhà hàng sang trọng rất cần người quản lý giỏi và người đầu bếp có kinh nghiệm, nhưng với nhà hàng thức ăn nhanh lại cần một người order nhanh nhẹn bởi đặc thù mô hình này là tự phục vụ.
Xem thêm: 6 sai lầm cần tránh của nhân viên nhà hàng, cà phê
3. Tính toán chi phí lao động
Khi tuyển dụng thêm nhân sự đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí như tiền lương, thưởng, phụ cấp... Các chủ nhà hàng cần hoạch định chi phí nhân sự cụ thể trong kế hoạch kinh doanh, để có thể quản lý hiệu quả các khoản chi mà vẫn đảm bảo mức thu nhập tốt cho nhân viên.
4. Am hiểu luật lao động
Đây là điều bắt buộc với các chủ nhà hàng khi tuyển dụng nhân sự, cần nắm rõ các quy định về luật lao động như mức lương tối thiểu, số giờ làm, độ tuổi lao động và các chế độ chính sách với người lao động. Đặc biệt với nhu cầu nhân sự làm bán thời gian, các nhà hàng thường tuyển học sinh, sinh viên làm thêm thì cần nắm rõ các quy định về độ tuổi lao động cũng như các công việc họ có thể làm được.
Trên đây là một số kinh nghiệm tuyển dụng, hy vọng có thể giải quyết phần nào những vấn đề khó khăn về nhân sự mà hầu hết các nhà hàng đang gặp phải.