Bạn chọn con đường khởi nghiệp, chọn nghiệp kinh doanh vì bạn là người chăm chỉ, đam mê, có niềm tin và ưu mạo hiểm. Bạn chấp nhận đối mặt với rủi ro, áp lực và khối lượng công việc lớn, thất bại, và nhiều tình huống bất ngờ khác.

Câu hỏi nhiều người như bạn tự đặt ra là nên làm một mình hay tìm đối tác cùng chí hướng. Là nhà sáng lập hay đồng sáng lập với những người khác là nỗi băn khoăn của rất nhiều nhà khởi nghiệp. Thật không dễ để biết lựa chọn nào sẽ giúp dự án thành công hơn, tiến nhanh hơn và đi xa hơn !

Với nhiều trải nghiệm về khởi nghiệp, tôi hy vọng có thể giúp bạn có cái nhìn đúng đắn và khách quan để lựa chọn cho hợp lý.

khởi nghiệp kinh doanh

Quy mô nhỏ

Nếu quy mô hoạt động nhỏ thì bạn nên làm một mình vì 2 lý do chính : vốn không quá nhiều nên một mình bạn có thể gánh vác, lợi nhuận không quá lớn nên chia cho nhiều người cũng chẳng còn được bao nhiêu. Ưu điểm của kinh doanh một mình là sự tự do và khả năng ra quyết định nhanh.

Tự do tức là bạn chỉ cần giải trình và thuyết phục chính bản thân mình trong mỗi bước đi. Tương tự, bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian « quản lý quan hệ đồng sáng lập » : các khác biệt về cá tính, phong cách làm việc hay quan điểm đều không tồn tại khi chỉ có một mình bạn.

Ngạn ngữ châu Phi có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Nhanh ở đây nằm trong việc quyết định nhanh không phải phụ thuộc ai. Điều đó giúp bạn đi đến đích nhanh hơn. Và vì “Tốc độ của cả đoàn sẽ bằng tốc độ của người đi chậm nhất”, khởi nghiệp một mình sẽ giúp bạn tránh việc bị kéo lại bởi bất kỳ ai khác, giới hạn về tốc độ chỉ nằm ở chính bạn.

Tuy nhiên, khi khởi nghiệp một mình thì bạn sẽ phải giải quyết khối lượng công việc lớn và làm việc thậm chí đến 16 tiếng mỗi ngày. Rủi ro với chính cuộc sống của bạn cũng cao hơn vì không được san sẻ. Nếu bạn có thể hưởng toàn bộ quả ngọt thành công thì bạn cũng sẽ phải nhận toàn bộ trái đắng của thất bại. Áp lực dồn lên bạn vì vậy cũng sẽ lớn hơn nhiều.

          Xem thêm: Bộ 20 câu hỏi dành cho người khởi nghiệp

Quy mô lớn

Nếu bạn nghĩ việc kinh doanh sẽ phải đi đến mức quy mô lớn trong tương lai, ví dụ là sẽ phải có nhiều hơn 50 nhân viên trở lên, thì nhất định bạn nên tìm những nhà đồng sáng lập có năng lực.

Lý do đầu tiên là bạn sẽ cần vốn đủ lớn để tránh thất bại vì thiếu tiền. Việc đóng góp vốn bằng tài chính và công sức sẽ giúp san sẻ rủi ro tài chính.

khởi nghiệp kinh doanh

Sau nữa, một dự án lớn bao giờ cũng sẽ cần nhiều kỹ năng chuyên sâu khác nhau .Việc có những nhà đồng sáng lập có thể gánh vác trọng trách ở nhiều mảng khác nhau giúp việc khởi nghiệp chuyên nghiệp và đi xa hơn. Đó chính là « Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao ». Nếu có khả năng kết hợp tốt giữa các nhà đồng sáng lập thì tiềm năng của công ty sẽ vô cùng to lớn, hơn rất nhiều lần so với khởi nghiệp một mình.

Cuối cùng, khởi nghiệp cùng những người khác giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn trong mỗi quyết định. Bạn có thể không còn khả năng đưa ra quyết định rất nhanh như khi chỉ có một mình bạn, nhưng bạn biết rằng các cuộc đối thoại và thảo luận sẽ giúp cho công ty có những định hướng vững vàng và thấu đáo hơn nhiều.

Mọi con dao đều có hai lưỡi, và việc khởi nghiệp với những người khác cũng như thế. Xung đột về quan điểm trong tranh luận làm tắc nghẽn quyết định. Mâu thuẫn về vốn, quyền lợi và sự đóng góp của mỗi nhà đồng sáng lập tạo nhiều áp lực nội bộ. Hãy lựa chọn những người bạn đồng hành đã xác định rõ tư tưởng, cùng chí hướng và luôn quyết tâm làm việc vì lợi ích thành công chung. Cuối cùng, đạt được thành công phải được đặt lên trên mọi mâu thuẫn và xung đột !

Nhiều công ty khởi nghiệp đại thành công như Microsoft, Facebook hay Snapchat đều bắt đầu với nhiều hơn 1 nhà sáng lập. Họ cũng trải qua những thăng trầm và khó khăn trong việc làm việc theo nhóm. Tuy nhiên cuối cùng, họ cũng đã sử dụng được điểm mạnh của mỗi nhà sáng lập trong một giai đoạn phát triển. Vì vậy, bạn hãy cố gắng tìm được người phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển để cùng đi và cùng vượt qua khó khăn.

          Xem thêm: Giải quyết "Mâu thuẫn nhỏ" - Đem lại "Hiệu quả lớn"

Kết luận

Để trả lời cho câu hỏi rằng nên khởi nghiệp một mình hay theo nhóm, hãy tư duy về quy mô cần phát triển của việc kinh doanh. Quy mô này được phân tích dựa trên khả năng bản thân, nguồn lực tài chính, việc phát triển sản phẩm cũng như nhiều yếu tố khác. Sau đó, bạn hãy tìm cách định lượng từng yếu tố để xem việc khởi nghiệp một mình có khả dĩ không. Nếu không, hãy tìm những người cùng chí hướng để đi cùng.

Nên có bao nhiêu nhà đồng sáng lập, và làm sao để kết hợp một cách hiệu quả ? Hẳn các bạn chọn việc khởi nghiệp theo nhóm sẽ có những câu hỏi đó. Hẹn gặp các bạn trong bài blog sau để tôi có thể bàn kỹ về vấn đề này nhé !

ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ MIỄN PHÍ 7 NGÀY PHẦN MỀM QUẢN LÝ BÁN HÀNG

Đăng ký dùng thử Phần mềm quản lý bán hàng