Phong cách quản lý là một yếu tố quan trọng trong vấn đề quản lý. Nó thể hiện tính khoa học, tổ chức, tài năng, chí hướng và nghệ thuật chỉ huy của người quản lý. Mỗi người đều có phong cách quản lý riêng, và không có phong cách nào tốt nhất cho mọi tình huống.
Điều quan trọng là nhà quản lý phải biết vận dụng phong cách quản lý phù hợp trong từng tình huống cụ thể, và trong từng giai đoạn phát triển của cửa hàng. Trong bài viết dưới đây, MAYBANHANG.NET giới thiệu một số phong cách quản lý thường được áp dụng.
Xem thêm: Tránh thất thoát từ nhân viên - Bài toán khó của người quản lý
1. Quản lý chuyên quyền
Đây là phong cách quản lý bằng việc tập trung toàn quyền lãnh đạo vào quản lý hoặc chủ cửa hàng. Người quản lý đưa ra mệnh lệnh và xử lý mọi vấn đề, nhân viên là người thi hành.
Ưu điểm của phương pháp này là giải quyết công việc một cách nhanh chóng, triệt để và thống nhất. Đảm bảo quyền lực của quản lý, chủ cửa hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp quản lý này là triệt tiêu tính sáng tạo của nhân viên, tạo ra sự căng thẳng, áp lực đối với cấp dưới. Về lâu dài sẽ dẫn đến các tình trạng tiêu cực như nhân viên chống đối, chỉ hoạt động hiệu quả khi có mặt nhà quản lý.
Phương pháp này phát huy hiệu quả nhất vào giai đoạn đầu của cửa hàng (mới hoạt động, chi nhánh mới), khi khối lượng công việc lớn cần giải quyết nhanh chóng, nhân viên đang trong quá trình đào tạo. Áp dụng phương pháp quản lý chuyên quyền vào giai đoạn này sẽ tạo nên phong cách, văn hóa của cửa hàng.
2. Quản lý dân chủ
Với phong cách quản lý này chủ cửa hàng sẽ phân chia quyền lực của mình cho người khác quản lý, hoặc giao cho người quản lý nhỏ hơn (trường hợp này ít xảy ra trong cửa hàng bán lẻ). Người quản lý có trách nhiệm định hướng công việc, nhiệm vụ cho mỗi thành viên. Mọi người thấy được vai trò của mình sẽ hỗ trợ, tương tác lẫn nhau để cùng đạt đến hiệu quả cao nhất trong công việc, kể cả khi không có mặt quản lý hoặc chủ cửa hàng ở cửa hàng.
Phong cách này giúp phát huy năng lực và trí tuệ của tập thể, sự sáng tạo của cấp dưới, tạo không khí thân thiện, thoải mái trong công việc. Tuy nhiên phong cách quản lý này tốn nhiều thời gian để ra quyết định, và đôi khi khó thống nhất ý kiến giữa các thành viên, giữa các nhà quản lý với nhau. Phong cách quản lý dân chủ phù hợp với cửa hàng đã hoạt động ổn định, phát triển đến một quy mô nhất định, và chủ cửa hàng không thể quản lý hết mọi việc của cửa hàng.
3. Phong cách quản lý tự do
Đây là phong cách quản lý mà người quản lý, chủ cửa hàng rất ít hoặc không tác động, tương tác gì đến nhân viên dưới quyền. Phong cách này cho phép nhân viên ra quyết định, quản lý cửa hàng chỉ có vai trò cung cấp thông tin chủ yếu: thông tin về sản phẩm, giá cả,...
Phong cách quản lý tự do sẽ phát huy tối đa sự sáng tạo của nhân viên, phát hiện các ý tưởng, phương pháp mới trong kinh doanh, quản lý có thể thoải mái vắng mặt. Nhược điểm của phong cách này chủ yếu gây ảnh hưởng đến chủ cửa hàng: nhân viên mất tập trung, tùy tiện trong công việc, nhân viên ít tin tưởng và nể phục quản lý.
Phong cách này phát huy tác dụng của nó khi cửa hàng quản lý nhân viên theo hiệu quả công việc: doanh thu, doanh số, số tiền mang về cho cửa hàng, mô hình cộng tác viên,…
Xem thêm: Quản lý nhà hàng giỏi - 5 điều không thể bỏ qua
Mỗi phong cách quản lý vận dụng trong các tình huống khác nhau sẽ cho hiệu quả khác nhau, nhưng có thể thấy mỗi chủ cửa hàng sẽ có phương pháp chủ đạo riêng và luôn luôn linh hoạt trong từng tình huống, giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên cả ba phong cách quản lý nêu trên đều cần có công cụ để giám sát, đánh giá hiệu quả của nhân viên.
Cần có các thước đo, thang điểm, hoặc con số để đánh giá các công việc, thông qua đó nhà quản lý sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định cho các giai đoạn tiếp theo của cửa hàng. Hi vọng bài viết này có thể giúp được bạn phần nào trong việc xác định phương pháp quản lý cơ sở kinh doanh của mình.
Chúc bạn thành công!